Theo bà Lâm Ngọc Tú - Phó Giám đốc Công ty TNHH Chế biến Dừa sáp Cầu Kè (Vicosap), với tình hình thị trường khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp đã chọn ra những sản phẩm đặc trưng bán chạy mùa Tết để tập trung sản xuất, tối ưu giá thành, thay đổi bao bì nhỏ gọn, giảm trọng lượng để khách hàng dễ dàng chi trả, chuyển đổi từ túi nhựa sang bao bì giấy thân thiện môi trường.
"Tuy nhiên, sản phẩm Vicosap là dòng sản phẩm đặc sản vùng miền, mang yếu tố bản địa và phù hợp với nhu cầu mua quà Tết của bà con như kẹo dừa sáp, kẹo chuối gân, sữa chua dừa sáp sấy,... nên mỗi năm chúng tôi đều cung cấp hàng chục ngàn đơn vị sản phẩm. Năm nay, Vicosap ra mắt dòng kẹo dừa sáp phô mai kem và kẹo dừa sáp cà phê muối để phục vụ mùa Tết cho bà con, bước đầu được người tiêu dùng đón nhận", bà Tú nói.
Còn ông Nguyễn Trung Dũng - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dh Foods - cũng nhận định thị trường Tết 2024, người tiêu dùng sẽ tiết kiệm hơn. Doanh nghiệp này cho biết đã chuẩn bị các giỏ quà Tết với chất lượng tốt nhưng giá thành rẻ hơn.
"Cụ thể, gia vị bên trong phong phú hơn, được đóng trong bao bì làm bằng loại carton rẻ hơn nhưng thiết kế đẹp hơn, tập trung vào các hộp gia vị phân khúc giá rẻ và trung bình. Các đối tác thương mại của chúng tôi cũng yêu cầu phát triển các giỏ quà Tết hấp dẫn, chất lượng nhưng phân khúc giá dưới 100 và 200 nghìn đồng", ông Dũng cho biết.
Chuyên cung cấp ra thị trường các mặt hàng bánh mứt, trái cây sấy,... đại diện Nonglamfood cũng dự báo thị trường quà Tết năm 2024 cho thấy xu hướng giảm chi tiêu trong mùa này, với dự kiến giảm gần 80% so với năm ngoái.
"Chúng tôi đã tập trung vào việc cung cấp giải pháp quà tặng B2B cho thị trường, với việc tuyển lựa đặc sản từ vùng miền khắp mọi nơi. Điều này giúp chúng tôi cung cấp các sản phẩm có giá trị cao và độc đáo, đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong mùa Tết. Đồng thời, chúng tôi đã mở rộng thêm kênh online để tối ưu hóa chi phí cho người tiêu dùng", ông Bi cho biết.
Còn theo ông Nguyễn Ngọc Luận - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu (thương hiệu cà phê Meet More), dự đoán lượng quà Tết năm nay sẽ không có sự gia tăng đột biến, nhiều công ty cũng cắt giảm lượng quà tặng. Ông Luận cho biết năm nay doanh nghiệp này vẫn giữ nguyên các giỏ quà truyền thống và không dự trữ lượng hàng lớn như những năm trước đây.
"Năm nay, chúng tôi sẽ giữ lại những combo giỏ quà với giá thích hợp có thể chấp nhận được trên thị trường, đặc biệt sẽ giảm 10% để kích cầu người tiêu dùng", ông Luận nói.
Cũng theo ông Luận, ngay từ tháng 6/2023 có thể thấy sức mua giảm nên dự đoán Tết cũng không có sự tăng trưởng. Hiện doanh nghiệp này cũng đẩy mạnh bán hàng online trên kênh TikTok, sàn thương mại điện tử để giữ được thị trường bán lẻ.
Ở thị trường xuất khẩu với các loại bánh truyền thống, ông Lê Quốc Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty Sông Hương Foods - cho biết đối tác tại Mỹ đặt hàng lên tới 300 nghìn USD, hiện sức mua tại Mỹ cũng chững lại. Tuy nhiên, với sản phẩm đặc thù bánh truyền thống như bánh nậm, bánh giò, bánh gai,… doanh nghiệp này kì vọng có sự tăng trưởng. Tại thị trường nội địa, Sông Hương Foods sẽ giảm giá từ 5-20% ở nhiều mặt hàng Tết 2024.
Theo báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường Kantar WorldPanel Việt Nam, khoảng năm tuần đầu tiên của Tết Nguyên Đán là thời gian mua sắm tết kéo dài từ ngày 7/1 đến 10/2/2024. Người tiêu dùng có thể sẽ không cắt chi tiêu cho những mặt hàng thiết yếu và quà tặng Tết, tuy nhiên sẽ có xu hướng tìm kiếm các sản phẩm ở phân khúc thấp hơn hoặc nhiều khuyến mãi hơn.
Ông Nguyễn Văn Bi – CEO Nonglamfood, tình hình lựa chọn giỏ quà Tết của người tiêu dùng có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Bên cạnh giá cả và chất lượng sản phẩm, một yếu tố quan trọng khác là thông điệp và bao bì của sản phẩm. Khách hàng không chỉ xem xét sản phẩm quà tết như một món quà đơn giản, mà còn như một câu chuyện về ngày Tết đầy ý nghĩa và gói ghém đầy ắp những lời yêu thương
Võ Liên