Theo Tuổi Trẻ
Những thí nghiệm thực phẩm chế biến từ cây trái đầu tiên của thầy trò khoa công nghệ thực phẩm Trường ĐH Nông lâm TP.HCM đã vào nhà máy để sản xuất hàng loạt, thành những món ngon bày bán trên các website thương mại điện tử.
TS Lê Trung Thiên trao đổi với cộng sự tại xưởng sản xuất vỏ bưởi, chanh dây - Ảnh: VŨ THỦY |
Xưởng sản xuất nằm trên con đường nhỏ ở Q.9 (TP.HCM). Vừa tới đầu đường, mùi tinh dầu bưởi thơm nức mũi tỏa khắp nơi. Từ nhiều công đoạn rửa, xắt, xử lý chất cay, tạo độ ngọt, vắt khô, sấy, đóng gói... được làm khép kín, những miếng vỏ bưởi thành phẩm vẫn giữ nguyên màu vỏ tự nhiên, hương thơm và vị ngọt thanh quyện với vị cay tự nhiên của tinh dầu bưởi.
Vỏ bưởi “made by sinh viên”
Huỳnh Thị Trường - cô giám đốc trẻ cũng là một cựu sinh viên từ khoa - đi một vòng kiểm tra các khâu. Trường bảo nhân viên vận hành máy cắt, máy sấy ở đây hầu hết là sinh viên Trường ĐH Nông lâm, chỉ một số khâu như sơ chế, đóng gói là thuê công nhân vào làm.
Mỗi năm phòng thí nghiệm này có thể cho ra 20 sản phẩm khác nhau, nhưng từ trước đến nay sự liên kết giữa các nhà khoa học và doanh nghiệp sản xuất rất yếu, nên hầu hết nghiên cứu đều nằm trong phòng thí nghiệm. Mở nhà máy sản xuất chính là mở cánh cửa để khơi thông nút thắt này." |
Tiến sĩ LÊ TRUNG THIÊN |
“Nhà máy không lớn, máy móc ở đây cũng có nhiều sản phẩm tự chế. Ví dụ máy quay ly tâm xưởng đang dùng chính là các chiếc máy giặt” - Trường chỉ vào dãy máy giặt đang quay ro ro giới thiệu.
Câu chuyện của vỏ bưởi sấy bắt đầu từ ý tưởng của TS Lê Trung Thiên (trưởng bộ môn kỹ thuật thực phẩm, khoa công nghệ thực phẩm) đó là: “Tôi muốn tận dụng các thứ phẩm nông nghiệp, những loại cây trái dồi dào và giá rẻ ở Việt Nam nhưng lại tốt cho sức khỏe chế biến thành thực phẩm ngon, bổ dưỡng”.
Và sau đó, một nhóm sinh viên được giao nghiên cứu, xây dựng quy trình sản xuất vỏ bưởi từ phòng thí nghiệm ngay trong trường.
TS Thiên kể lúc đầu vỏ bưởi được sản xuất trong cái xưởng nhỏ 40m2 của trường, chỉ đủ sản xuất làm quà tặng thầy cô, bạn bè. Máy móc thì tận dụng dụng cụ sẵn có trong trường từ máy cắt, máy sấy, máy đo màu...
Nhưng bất ngờ là hầu hết mọi người đều khen hương vị thơm, ngon nên thầy trò nảy ý định làm xưởng, sản xuất bán ra thị trường. Từ cái phòng nhỏ 40m2, vỏ bưởi chuyển tới một cái xưởng đi thuê rộng 100m2 và hiện tại là 500m2.
“Để tìm khách hàng, thầy trò chúng tôi có một nhóm ba người làm marketing, chào bán sản phẩm, tìm kênh phân phối. May mắn là vỏ bưởi bán ra được nhiều người ưa thích và giới thiệu cho nhau nên tiếng lành đồn xa. Lợi nhuận bao nhiêu lại dồn vào mua máy móc, rồi mày mò đưa thêm các sản phẩm khác vào sản xuất. Chanh dây sấy dẻo đã ra mắt và rất có triển vọng” - TS Thiên cho biết.
Xơri, dứa, thanh long... ra khỏi phòng thí nghiệm
Buổi sáng đầu tuần, sinh viên cặm cụi với máy sấy ẩm, sấy phun, máy chưng cất, máy đo màu. Ở một góc nhỏ, Hoàng Quang Bình (23 tuổi) đang cùng các sinh viên cân bột bắp cải tím bằng cân bốn số vừa đưa ra từ máy sấy phun.
Bình là một trong những sinh viên trẻ đã cùng nghiên cứu làm mứt vỏ bưởi, sau đó ở lại trường tiếp tục học thạc sĩ. Đến giờ anh chàng vẫn đồng hành với đàn em tiếp tục nghiên cứu quy trình sản xuất nhiều loại thực phẩm từ rau quả, thịt cá, trứng sữa... theo đặt hàng của doanh nghiệp.
Ở một góc khác là một kệ dài hũ thủy tinh, túi zip nhỏ in nhãn các loại nước trái cây: nước ép bưởi - dứa, nước ép bưởi - hoa cúc - lạc tiên, nước linh chi thảo mộc, nước xơri...
Nguyễn Thị Mỹ Hiền (22 tuổi), một bạn trẻ nữa vừa ra trường, chính là “chủ xị” phụ trách phát triển những dòng sản phẩm này. Hiền cho biết bắt đầu từ tháng 3-2017, bạn được TS Thiên giao nghiên cứu dòng nước ép trái cây bổ dưỡng để tạo ra những sản phẩm có hương vị thơm ngon và giá trị dinh dưỡng cao có thể nối tiếp vỏ bưởi, chanh dây sản xuất bán ra thị trường.
“Sản phẩm thành hình rồi nhưng vẫn cần nghiên cứu điều chỉnh để màu sắc bắt mắt, hương vị thơm ngon hơn” - Hiền nói.
Phải có bao bì đẹp Ấp ủ của thầy trò về một công ty với những sản phẩm chế biến từ nông sản Việt Nam chất lượng cao, cạnh tranh với các nước trong khu vực, khép kín từ khâu sáng chế công thức, mẫu mã đến sản xuất, phân phối vẫn đang được nuôi lớn từ phòng thí nghiệm nhỏ này. TS Thiên cho biết sinh viên trường được đào tạo về thực phẩm, khi phát triển một sản phẩm nào đó sẽ am hiểu tường tận về nguyên liệu, hiểu được thực phẩm sẽ biến đổi, chuyển hóa như thế nào qua các bước chế biến. “Từ trước đến nay, thực phẩm chế biến của chúng ta không đầu tư đúng mức cho phần bao bì. Cái đầu tiên thu hút chính là bao bì nên những sản phẩm từ xưởng Nông Lâm food phải có bao bì đẹp” - TS Thiên cho biết. |